Việt Nam "thừa" 1,5 triệu nam giới trong 10 năm tới

Việt Nam "thừa" 1,5 triệu nam giới trong 10 năm tới
 

 

Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ “thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15 - 49 và đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm.

 

 
Việt Nam

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính (Ảnh minh họa)

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mới đây đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức buổi tọa đàm "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới".

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra một cách trầm trọng tại Việt Nam. Phát biểu khai mạc, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - KHHGĐ - Bộ Y tế cho biết: Từ năm 1980 vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra tại một số Quốc gia ở châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tinh khi sinh bắt đầu xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21.

Các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với các nước châu Á và có những đặc điểm riêng khiến cho tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao, diễn biến khá phức tạp. Riêng từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức trên 111 bé trai/100 bé gái và có sự tăng giảm không ổn định và đến năm 2021, tỷ số này đang ở mức 111,8 bé trai/bé gái.

Việt Nam
 

Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

"Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng chính phủ… nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, tọa đàm là dịp để cơ quan quản lý, các chuyên gia nêu lên thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới hiện nay của Việt Nam, cũng như những khuyến nghị, định hướng chính sách, chương trình trong thời gian tới. Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

 

 

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111.5 trẻ trai trên 100 trẻ gái trong khi đó tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15 - 49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Thúy Ngà ( Nguồn: Gia đình Việt Nam online)

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài