Tự hại ở trẻ vị thành niên – vấn đề sức khỏe tâm thần đáng báo động
Tự hại ở trẻ vị thành niên – vấn đề sức khỏe tâm thần đáng báo động
Tình trạng tự hại ở tuổi vị thành niên đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và được nhiều bệnh viện chuyên khoa ghi nhận, trong đó có Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái. Điều này đặc biệt đáng quan ngại vì tự hại không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn ẩn chứa những hậu quả tâm lý nghiêm trọng.
Tự hại, hay còn gọi là tự gây tổn thương, tự ngược đãi bản thân (selfharm) thường bao gồm việc tự cắt, tự làm tổn thương cơ thể bằng các phương pháp khác nhau. Đây thường là dấu hiệu của sự buồn chán, cảm thấy bất hạnh, cô đơn hoặc không kiểm soát được cảm xúc. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái, việc tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy trong thời gian gần đây đang đặt ra một số cảnh báo quan trọng đối với cộng đồng và gia đình.
N.G.A, một bệnh nhân học lớp 11, đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái. Em vào viện với biểu hiện: thường xuyên ngủ kém từ nhiều tháng nay, giấc ngủ nông chập chờn, có đêm mất ngủ hoàn toàn kèm theo buồn chán vô cớ, mất tập trung trong công việc và học tập, trí nhớ suy giảm, ngại tiếp xúc với những chỗ đông người, đau đầu âm ỉ, hoa mắt chóng mặt, ăn uống kém, gầy sút cân, mệt mỏi cơ thể, có ý tưởng và hành vi tự sát, các dấu hiệu ngày càng tăng nặng nên người nhà cho bệnh nhân nhập viện. Đặc biệt khi bác sĩ hỏi bệnh ban đầu: Bệnh nhân tiếp xúc chậm, ít nói, khí sắc trầm, có ảo thanh xui khiến.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân
BSCKI Nguyễn Kim Thắng - Trưởng khoa Tâm căn tâm lý điều trị,Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái - người trực tiếp điều trị cho N.G. A cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán là F32- Giai đoạn trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần, bệnh nhân có nghe thấy người khác xui khiến bản thân làm những việc hại người khác hoặc con vật nuôi trong nhà, bệnh nhân cũng đã thực hiện hành vi tự tử nhưng người nhà kịp phát hiện ra. Với những bệnh nhân này, việc điều trị sẽ lâu dài hơn do bệnh nhân ở giai đoạn nặng mới đưa vào viện. Sau khi được điều trị hóa dược, bệnh nhân được trị liệu tâm lý phối hợp để tăng cường khả năng ứng phó với các triệu chứng bệnh sau khi ra viện do bệnh lý này dễ tái phát nếu gặp các sự kiện hoặc tình huống kích thích.
“Em A là người sống nội tâm, ở với bà từ nhỏ, bố mẹ ly thân từ khi em 10 tuổi, bản thân em ít bạn, khả năng giao tiếp hạn chế thể hiện ở việc e khó diễn đạt những điều e muốn nói, ít chia sẻ cảm xúc cũng như chuyện trò hàng ngày. Việc thiếu thốn trong giao tiếp, gia đình thiếu cấu trúc, có lo âu stress kéo dài là những nguyên nhân dẫn đến tính trạng hiện tại của trẻ. E có biểu hiện tự hại là đấm vào đầu từ khi 12 tuổi, 2 năm gần đây em có biểu hiện dùng dao lam hoặc kéo cứa tay, khi có những điều làm mình khó chịu, trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện tự hại, đây là những hành vi tự hại thường gặp ở trẻ rối loạn cảm xúc hành vi tuổi thanh thiếu niên hoặc rối loạn trầm cảm. Đây thực chất là một biểu hiện của sự bất lực trong quản lý cảm xúc khi trẻ không biết kỹ năng nào tốt hơn” ThS Nguyễn Thị Sơn, người trị liệu tâm lý cho em A chia sẻ.
Phân tích thêm về vấn đề tự hại ở e N.G.A, bác sĩ Nguyễn Kim Thắng cho biết: Trẻ có các hành vi tự hại từ cách đây 5 năm, 2 năm gần đây bắt đầu cứa rạch tay nhưng hành vi này gia đình mới chỉ biết cách đây 1 tháng, điều này cho thấy việc thiếu sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh lý nặng hơn ở trẻ.
Sau 2 tuần điều trị, A đã cười nói và chia sẻ nhiều hơn, biết được điểm mạnh điểm yếu, một số kỹ năng quản lý cảm xúc, đặt mục tiêu, kế hoạch và những cam kết sau khi ra viện. Hiện tại em A đã ổn định và đang được tăng cường trị liệu tâm lý hàng ngày trong đó cán bộ tâm lý chú trọng vào liệu pháp nhận thức hành vi vì tính hiệu quả của liệu pháp này trong điều trị trầm cảm. Những bệnh nhân này khi ra viện sẽ được chăm sóc và hỗ trợ thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng cũng như trang fanpage và đảm bảo thông tin cá nhân của trẻ.
Trường hợp N.G.A là một trong số nhiều bệnh nhân tuổi vị thành niên có hành vi tự hại đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái trong thời gian gần đây. Số lượng trẻ em dưới 15 tuổi đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái khám và điều trị mỗi năm là hơn 800 bệnh nhân, trong đó trẻ có các biểu hiện lo âu trầm cảm và có hành vi tự hại chiếm một số lượng không nhỏ.
Trước thực trạng trên các nhà chuyên môn cũng như cán bộ tâm lý đã có những khuyến cáo phòng ngừa hành vi tự hại ở trẻ bao gồm xây dựng một môi trường an toàn và tôn trọng, thấu cảm là điều kiện tốt để tăng cường hoặc cải thiện các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ xây dựng hình ảnh bản thân tích cực, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực và hạn chế những sự kiện nguy cơ; các chương trình dạy kĩ năng quản lý cảm xúc hay đương đầu có thể giúp trẻ thay thế các hành vi không thích nghi và tin tưởng vào tiềm năng bản thân; Việc giáo dục nhận biết và giải quyết cảm xúc cho trẻ từ khi còn nhỏ, cùng với việc tăng cường các dịch vụ tâm lý và xã hội trong cộng đồng là cần thiết; Việc hỗ trợ tâm lý đầy đủ từ gia đình và sự quan tâm từ các nhà trường có thể giúp giảm bớt căng thẳng và cảm giác cô đơn cho các em, từ đó giảm thiểu nguy cơ tự hại. Đặc biệt việc phát hiện sớm dấu hiệu và đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị kịp thời là yếu tố rất quan trọng quyết định đến khả năng bình phục của trẻ
Thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai một số hoạt động nằm trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại Yên Bái hy vọng sẽ góp phần dự phòng cũng như nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em ở cả cộng đồng cũng như tại Bệnh viện