Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội (ASXH) quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), góp phần đảm bảo ASXH cho mọi người dân.
Việc triển khai áp dụng thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT từ 01/01/2016, người tham gia Bảo hiểm Y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh đã tạo điều khiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Theo công văn của Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, số liệu thống kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT 4 tháng đầu năm 2017 trên hệ thống phần mềm giám định, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái phát hiện nhiều trường hợp người bệnh sử dụng thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh với tần suất nhiều lần trong tháng, trong quý tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác nhau trong cùng một thời điểm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí khám, chữa bệnh không cần thiết và gây mất cân đối quỹ KCB BHYT trên địa bàn toàn tỉnh.
Như vậy, người tham gia BHYT tránh vi phạm pháp luật trong quá trình khám chữa bệnh và trục lợi quỹ KCB BHYT chỉ sử dụng thẻ BHYT khi ốm đau cần sớm đến cơ sở y tế để được khám bệnh, chữa bệnh vừa thuận tiện lại đỡ tốn tiền; Bệnh càng được phát hiện và chữa sớm thì càng dễ chữa và nhanh khỏi bệnh; Khi ốm đau mà tự mua thuốc hoặc tự chữa bệnh không đúng cách vừa không khỏi được bệnh lại có thể làm bệnh nặng hơn, khó chữa hơn; Cần đến cơ sở y tế để khám bệnh và chữa bệnh, không tự chữa ở nhà khi ốm đau. Đặc biệt người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc để chữa bệnh có hiệu quả. CN. Chu Thị Thu Hà