Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế người cao tuổi - 1.10
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế người cao tuổi - 1.10
Ngày 14 tháng 12 năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm làm Ngày quốc tế người cao tuổi. Ngày quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 1.10.1991.
Năm 1982, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về Tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.
Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới về Tuổi già ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 1.10 hàng năm làm ngày Quốc tế Người cao tuổi, bắt đầu từ 1.10.1991.
Ngày quốc tế người cao tuổi được tổ chức để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi.
Đây cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội. Đây là tâm điểm của Chương trình về người cao tuổi của Liên Hợp Quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.