Người cao tuổi dễ mắc bệnh về đường hô hấp, vì sao?
Người cao tuổi dễ mắc bệnh về đường hô hấp, vì sao?
(Ảnh: Bs Nguyễn Việt Phương - Trưởng trạm y tế phường Nguyễn Thái Học khám, tư vấn sức khỏe tại nhà cho người dân.)
Các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp… là bệnh người cao tuổi dễ mắc, nhất là với những người mắc bệnh mạn tính. Nếu không điều trị đúng, kịp thời bệnh dễ gây ra những biến chứng khó lường.
1. Nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh hô hấp khi chuyển mùa
Nhiều người thường than phiền: "Không chỉ trẻ nhỏ mà mấy cụ già nhà mình dạo này hay ốm quá". Trên thực tế, với người cao tuổi, khi sức đề kháng yếu đi thì mọi loại bệnh tật có thể tấn công dễ dàng hơn, nhất là khi thời tiết chuyển mùa là yếu tố thuận lợi bởi các virus, vi khuẩn, nấm phát triển tấn công hệ miễn dịch, hô hấp của người bệnh.
Theo năm tháng, hệ thống hô hấp và các chức năng khác của người lớn tuổi cũng dần suy giảm theo thời gian. Cũng như các cơ khác trên cơ thể, các cơ của hệ hô hấp trở nên yếu hơn. Những thay đổi liên quan đến tuổi tác ở người lớn tuổi có thể làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Bên cạnh đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào khiến đường hô hấp gây tổn thương các nhu mô phổi, do đó, làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, nhà ở chật chội, không thông thoáng cộng với khói của bếp than, bếp củi cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là vào thời gian chuyển mùa và mùa lạnh.
Một số người mắc bệnh mạn tính kéo dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp hơn khi thời tiết chuyển mùa và lạnh ẩm ở người cao tuổi.
Người cao tuổi, khi sức đề kháng yếu đi thì mọi loại bệnh tật có thể tấn công dễ dàng hơn, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
Ảnh minh họa.
2. Biểu hiện khi người cao tuổi mắc bệnh hô hấp
Bệnh lý hô hấp nếu người cao tuổi mắc phải có biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở. Tùy từng trường hợp mà có thể ho khan hoặc có đờm. Đờm có thể là màu trắng, đặc quánh hoặc lỏng, đôi khi có một ít máu tươi do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra.
Nếu suy hô hấp người cao tuổi thường gặp như khó thở khi gắng sức, sau khó thở thường xuyên, khó thở nhanh, thở không đều, khò khè. Hơi thở của người bệnh sẽ chậm dần, thở nông do các cơ hô hấp bị suy yếu. Các biểu hiện có thể kèm theo là mặt, môi, vành tai, các đầu chi tím tái.
Riêng các bệnh lý hô hấp ở người cao tuổi rất dễ bị nhầm bệnh nhẹ do khi nhiễm khuẩn nhiệt độ không tăng cao như ở người trẻ. Nhưng khi đã có viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh và nặng nề hơn.
Bởi vậy, nếu thấy các dấu hiệu mắc bệnh lý hô hấp hoặc có biểu hiện cảnh báo nguy cơ mắc suy hô hấp, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được thăm khám. Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
3. Người cao tuổi cần chú ý để bảo vệ sức khỏe khi chuyển mùa
Khi giao mùa người cao tuổi cần chú ý tự bảo vệ sức khỏe để phòng tránh các loại bệnh về đường hô hấp, cụ thể:
- Người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa: Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh chuyển sang rét đậm thì người cao tuổi nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Khi cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ cần có khăn và đầu cần có mũ, tốt nhất là dùng loại mũ bịt cả hai tai.
- Người cao tuổi cần thường xuyên vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày: Cần duy trì thói quen đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy, súc họng bằng nước muối ấm. Những trường hợp dùng răng giả, cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ, không để bám dính nhiều cặn thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp.
- Nếu người cao tuổi hút thuốc lá cần bỏ thói quen xấu này. Ngay cả người mắc bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang cũng cần phải tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào. Vì đây là nguyên nhân khiến các bệnh về đường hô hấp nặng hơn và có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác như bệnh về tim mạch.