Mang thai ngoài ý muốn: khủng hoảng thế giới phổ biến đến mức bị phớt lờ
Mang thai ngoài ý muốn: khủng hoảng thế giới phổ biến đến mức bị phớt lờ
Chiến tranh, tình huống khẩn cấp nhân đạo khiến tình trạng mang thai ngoài ý muốn ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022 do UNFPA công bố ngày 30/03/2022, có đến 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn - Con số này chiếm đến gần một nửa tổng số trường hợp mang thai trên toàn thế giới.
Báo cáo mới đây nhất của UNFPA “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị bỏ quên - Mang thai ngoài ý muốn” đã chỉ ra trên 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai, và khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn, chiếm 5-13% số ca tử vong mẹ. Điều này tác động tiêu cực đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.
Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành của UNFPA đưa ra nhận định: “Báo cáo này là lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Số trường hợp mang thai ngoài ý muốn quá lớn cho thấy thất bại toàn cầu trong việc bảo vệ những quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái”.
Bà Natalia chia sẻ thêm: “Những phụ nữ này hoàn toàn không được quyết định việc mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. Bằng cách trực tiếp trao quyền đưa ra quyết định cơ bản nhất này cho phụ nữ và trẻ em gái, xã hội có thể đảm bảo rằng việc làm mẹ là một nguyện vọng chứ không phải một điều không thể tránh khỏi”.
Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn tăng cao bắt nguồn từ bất bình đẳng giới và sự phát triển trì trệ
Báo cáo đã chỉ ra 7 yếu tố chính dẫn đến mang thai ngoài ý muốn bao gồm:
• Thiếu sự chăm sóc và thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục
• Các lựa chọn tránh thai không phù hợp với cơ thể hoặc hoàn cảnh của người phụ nữ
• Những chuẩn mực có hại và sự kỳ thị xung quanh việc phụ nữ kiểm soát vấn đề sinh sản và cơ thể của chính họ
• Bạo lực tình dục và cưỡng ép sinh con
• Thái độ phán xét hoặc miệt thị trong các dịch vụ y tế
• Tình trạng nghèo và phát triển kinh tế bị đình trệ
• Bất bình đẳng giới
Hiện nay có khoảng 257 triệu phụ nữ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và an toàn cho dù họ vẫn muốn tránh thai. Không những thế, có gần 1/4 số phụ nữ không thể từ chối quan hệ tình dục.
Chiến tranh không chỉ làm chậm sự phát triển, tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn cũng theo đó mà tăng lên
Tại Afghanistan, các hệ thống y tế bị gián đoạn do hậu quả của chiến tranh gây ra sẽ dẫn đến khoảng 4,8 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn đến năm 2025. Không những thế, mang thai ngoài ý muốn còn đe dọa sự ổn định, hòa bình và phục hồi chung của quốc gia này.
Không chỉ mỗi cuộc chiến ở Ukraine, các cuộc xung đột, khủng hoảng khác trên khắp thế giới có thể khiến số trường hợp mang thai ngoài ý muốn tăng lên, do khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai bị giảm xuống và bạo lực tình dục gia tăng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trên 20% phụ nữ và trẻ em gái tị nạn sẽ phải đối mặt với bạo lực tình dục.
Tiến sỹ Natalia Kanem đặt ra câu hỏi: “Nếu chỉ có 15 phút để rời khỏi nhà, bạn sẽ mang theo những gì? Hộ chiếu hay thức ăn? Bạn có nhớ mang theo thuốc hay dụng cụ tránh thai không?”.
“Trong những ngày, tuần, tháng sau khi khủng hoảng nổ ra, các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục sẽ bảo vệ và cứu sống phụ nữ và trẻ em gái khỏi những tổn hại, đồng thời phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Những dịch vụ này cũng quan trọng như đồ ăn, nước uống và nơi trú ẩn vậy”. Bà Natalia nói.
Trách nhiệm hành động
Các chính sách nâng cao khả năng tiếp cận, khả năng được chấp nhận, chất lượng, sự đa dạng của các biện pháp tránh thai cần phải được cải thiện. Đồng thời mở rộng thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục là việc mà những người ra quyết định và các hệ thống y tế ưu tiên ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn cần phải thực hiện.
Các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo tại cộng đồng và tất cả các cá nhân trao quyền cần phải hành động ngay lập tức để giúp phụ nữ và trẻ em gái đưa ra những quyết định chắc chắn về tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai và việc làm mẹ. Đồng thời việc công nhận toàn bộ giá trị của phụ nữ và trẻ em gái là cực kì cần thiết và cần phải thúc đẩy càng sớm càng tốt.
Một khi các hành động tích cực được thực hiện, phụ nữ và trẻ em gái sẽ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ngoài ra phái nữ sẽ có đủ công cụ, thông tin và quyền đưa ra lựa chọn cơ bản trong việc mang thai và sinh nở.
Sắp tới UNFPA sẽ công bố các nội dung và thông điệp chính chính của Báo cáo, cũng như các số liệu tại Việt Nam vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tại Hà Nội.
Sơn Bách( Nguồn: Chuyên trang của báo Điện Tử Dân Sinh)