Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ
Hình ảnh tin tức Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Như chúng ta đã biết, biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ, giúp trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện.

Để tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ, điều quan trọng nhất là phải tạo ra một môi trường hỗ trợ và bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em. Tại các gia đình sự thành công của việc nuôi con bằng sữa mẹ phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của người chồng đối với vợ trong việc hỗ trợ tình cảm, tham gia chia sẻ công việc nhà với vợ cũng như việc đưa vợ đi khám thai định kỳ và đi đẻ, chăm sóc sức khỏe cho vợ, nhắc vợ cho con bú ngay sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với việc ăn bổ sung các thực phẩm an toàn và phù hợp, là cách thức nuôi dưỡng trẻ tối ưu thực sự tiết kiệm và hiệu quả. Vì vậy, người cha và các thành viên trong gia đình cần tích cực hỗ trợ người mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn và duy trì nguồn sữa khi bà mẹ đi làm trở lại sau 6 tháng nghỉ thai sản.

       Những lợi ích cho trẻ bú sữa mẹ:

       - Sữa mẹ luôn duy trì ở một nhiệt độ ổn định, thích hợp cho bé, do vậy rất an toàn cho bé.

       - Sữa mẹ hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với những bà mẹ muốn nuôi và chăm sóc con theo ý mình.

       - Sữa mẹ là cách đáp ứng nhu cầu của bé nhanh chóng và dễ dàng nhất ở mọi lúc mọi nơi mà không phải mất thời gian pha chế, đo lường.

       - Hạn chế nguy cơ tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, ho/cảm lạnh, hen suyễn...Trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch lúc trưởng thành…

       - Làm giảm nguy cơ về các bệnh dị ứng, chàm và nhiễm trùng tai.

       - Thúc đẩy sự phát triển của xương hàm.

       - Chất sắt trong sữa mẹ luôn dễ hấp thu hơn chất sắt trong sữa công thức.

       - Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực, hệ thần kinh và ruột của bé.

       - Trẻ bú mẹ thường ít bị bệnh hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức.

       - Sữa mẹ cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé cần trong sáu tháng đầu đời

       - Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh.

       - Trẻ bú mẹ thường không bị táo bón và phân thải ra không có mùi như của các bé được nuôi bằng sữa công thức.

       Lợi ích cho mẹ

       - Giúp mẹ nhanh chóng trở lại trọng lượng như trước khi mang thai.

       - Giúp tử cung co bóp và trục xuất các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và màng nhầy, và giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh.

       - Làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.

       - Làm giảm khả năng phát triển bệnh loãng xương và bệnh tiểu đường loại II

       - Giúp tiết kiệm tiền mua sữa (công thức) cho bé.

       - Cho con bú thường đòi hỏi phải ở tư thế ngồi hoặc nằm.

       - Tăng cường tình cảm giữa mẹ - con.

       Chăm sóc nguồn sữa mẹ

       Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Nếu chế độ ăn của bà mẹ quá nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa, bà mẹ sẽ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, bà mẹ cần được ăn, uống nhiều hơn bình thường, ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như: tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt và các loại đậu đỗ, vừng, lạc, rau xanh và hoa quả chín. Ăn nhiều bữa hơn bình thường, uống nhiều nước vì cơ thể cần nhiều nước sự sự tiết sữa, không kiêng khem quá mức. Nên hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê, và hút thuốc lá. Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.

       Để trẻ phát triển toàn diện, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu!