(ảnh minh họa)
Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 trên cơ sở sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB).
Theo WHO, tuổi thọ dân số trên thế giới ngày càng tăng kéo theo sự gia tăng của tình trạng giảm thị lực và mù lòa. Hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hàng năm, trong đó ước khoảng 45 triệu người mù (độ tuổi 50 chiếm khoảng 80%). Đặc biệt cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù, 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn.
Nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực có thể kể đến là bệnh lý đục thủy tinh thể và tật khúc xạ không được điều chỉnh. Tuy nhiên, không thể bỏ qua các nguyên nhân khác như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh tăng nhãn áp, bệnh võng mạc tiểu đường, các bệnh truyền nhiễm ở mắt và chấn thương.
Hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị mù và thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Tuy nhiên, nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác dẫn đến mù lòa như đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường… có thể được phòng ngừa hoặc điều trị một cách dễ dàng và ít tốn kém. Điều quan trọng là người bệnh có được sự can thiệp đúng, sớm, để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp phục hồi tốt thị lực. Ngoài ra phải kể đến là tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên. Trong khi đó, việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất.
Hưởng ứng thông điệp của Ngày Thị giác Thế giới, mỗi người nên dành cho mắt sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn bằng việc chú ý ăn uống cân bằng; tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi; ngủ đủ giấc và tránh thức khuya; che chắn cho mắt khi ra ngoài...
Cùng với đó, mỗi người nên quan tâm khám mắt định kỳ, người bình thường khám 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 - 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ. Trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo: mọi người cần bảo vệ đôi mắt bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, che chắn bảo vệ và thăm khám định kỳ:
- Ăn uống cân bằng: Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố bạn nên ưu tiên hàng đầu, vì mắt cần được bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Chế độ ăn uống cần đủ chất, chú trọng những thực phẩm có lợi cho mắt như rau củ, trái cây màu cam, vàng, đỏ, ngũ cốc, cá biển…
- Chế độ nghỉ ngơi cho mắt: Không đôi mắt nào có thể hoạt động liên tục mà vẫn sáng khỏe. Hãy cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc trước màn hình điện tử, bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6 mét. Ngoài ra, nên ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt tràn đầy sức sống.
- Che chắn bảo vệ mắt khi ra ngoài: Khi ra ngoài, nên trang bị loại kính râm có khả năng chống tia UVA, UVB và giảm độ sáng chói tốt. Các tia UVA, UBV chiếu trực tiếp có thể gây bỏng mắt, nóng rát mi, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ dẫn đến mù loà. Ngoài ra, môi trường ánh sáng quá mạnh sẽ khiến mắt phải nheo và điều tiết liên tục, dễ gây mỏi mắt.
- Tránh khói thuốc: Khói thuốc là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
- Khám mắt định kỳ: Mắt cần được khám định kỳ, ít nhất 6 tháng mỗi lần. Đây là dịp để kiểm tra tình hình sức khỏe của mắt, đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh nhãn khoa nếu mắc phải.
- Dùng thuốc nhỏ mắt: Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt giúp bổ sung các dưỡng chất mà chế độ ăn uống không đáp ứng đủ. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, chondroitin sulfate, acid amin… để làm dịu mắt khi mỏi mệt, nuôi dưỡng và phòng ngừa các bệnh nhãn khoa. Tuy nhiên, nên chọn sản phẩm uy tín và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
Suckhoedoisong.vn