Cảnh báo việc cha mẹ xin đơn thuốc bổ cho con từ 'thầy thuốc Google'

Cảnh báo việc cha mẹ xin đơn thuốc bổ cho con từ 'thầy thuốc Google'

 Gõ cụm từ 'thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ' trên Google sẽ cho hơn 51triệu kết quả, quả là một lượng thông tin khổng lồ để cha mẹ có thể tìm được một loại thuốc cho con mình. Nhưng thực tế, rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ để trẻ được kiểm tra và kê đơn cẩn thận.

Trẻ từ mầm non tới phổ thông đã được quay trở lại trường học, dù vui mừng nhưng nhiều phụ huynh vì lo lắng nguy cơ con bị hậu COVID khiến sức khỏe suy giảm hoặc có thể mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền khác nên tự tìm mua các loại thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ. 

Những thông tin tìm kiếm chủ yếu qua tra cứu trên Google, mạng xã hội hoặc truyền tai nhau. Dù quan tâm đến con là vậy nhưng rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và kê đơn.

Nhiều phụ huynh tự mua thực phẩm bổ sung để tăng sức đề kháng cho con khi quay lại trường học.

 

1. Tham khảo thông tin trên internet để mua thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ

Chị Đào Kim Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị được 3 tuổi, khi cháu mới được 20 tháng, chị đã cho cháu đi gửi trẻ. Nhưng mới gửi được hơn 1 tháng thì đúng dịp 30/4 năm 2021, sau đó trẻ nghỉ học vì số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Hà Nội. Hiện giờ, con chị Hoa đã 3 tuổi, cũng giống như bao phụ huynh khác, chị Hoa rất vui vì con được tới lớp đi học nhưng bên cạnh đó cũng bày tỏ sự lo lắng khi con chưa đến tuổi được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

"Tôi mua một số loại thực phẩm bổ sung về cho cháu uống để tăng sức đề kháng. Tôi cũng hỏi một số bà mẹ khác và tự tìm hiểu qua Internet thì mua chứ cũng không đi khám bác sĩ" - Chị Hoa cho biết.

Cũng rất vui vì con được đi học trực tiếp ở trường, chị Trần Kim Hằng (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có con gái đang học lớp 2 cho biết:

"Mừng vì con sẽ được đi học, tôi không phải vất vả học online suốt ngày cùng con nữa nhưng cháu chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, vì vậy tôi khá lo lắng. Tôi có nói chuyện và tìm hiểu thông tin qua mạng nên có mua một số loại vitamin cho con và vi chất dinh dưỡng mong con có sức đề kháng tốt để phòng tránh nhiễm bệnh. Tôi nghĩ, đây cũng là thuốc bổ nên không cần phải cho con đi khám bác sĩ", chị Hằng cho biết.

Không chỉ có chị Hoa, chị Hằng mà nhiều phụ huynh khác cho biết họ cũng tự tìm cách tăng sức đề kháng cho con theo "thầy thuốc Google".

2. Các chuyên gia khuyến cáo

Hiện nay chúng ta đã mở cửa trở lại các hoạt động, trẻ em cũng đã được quay trở lại trường học. Từ những thực tế này, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và chuyên gia dinh dưỡng để cung cấp thêm những thông tin tin cậy về việc tăng sức đề kháng cho trẻ đúng cách.

Điều làm cho trẻ khỏe mạnh là ăn uống đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nhiều phụ huynh tìm mua thực phẩm bổ sung để tăng sức đề kháng cho con là việc làm không cần thiết..

Việc đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống cho trẻ mới là điều tốt nhất. Bởi không phải cái gì đưa vào người cũng là tốt, đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đừng theo lời trên mạng mà có thể tiền mất tật mang.

GS.TS Nguyễn Văn Kính đưa ra khuyến cáo: khi có chương trình tiêm chủng, phụ huynh cần cho con em mình tiêm chủng đầy đủ để phòng tránh bệnh tật.

TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết: Không phủ nhận những ích lợi về thông tin của việc chăm sóc sức khỏe trên Google nhưng cách này cũng có nhiều hạn chế bởi nguồn thông tin cần phải được kiểm chứng chuyên môn.

Hơn nữa, kể cả khi nguồn thông tin trên Google đúng là đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia y tế nhưng cơ thể con người là một bộ máy rất phức tạp, không ai giống ai nên không thể áp dụng y nguyên và cứng nhắc. Mỗi người có tình trạng sức khỏe khác nhau, bệnh lý khác nhau nên luôn cần có một chế độ phù hợp dựa trên các chỉ số xét nghiệm cụ thể và tính toán của bác sĩ. Việc các bậc cha mẹ lo lắng muốn tăng sức đề kháng cho con mà tự tìm mua các loại thực phẩm bổ sung, thuốc tăng sức đề kháng cho con uống là điều không nên làm.

Lấy ví dụ đơn giản nhất như câu chuyện bổ sung vitamin C cho trẻ, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ vitamin C rất lành, có thể cho con uống thoải mái. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, liều vitamin C trên 2.000 mg có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng. Bổ sung vitamin C sai cách có thể khiến cơ thể tích trữ quá nhiều sắt và có thể dẫn tới bệnh lý sỏi thận.

Cha mẹ cũng nên tránh gây áp lực cho con trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, stress cũng là một nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch. Yếu tố tinh thần cũng góp phần quan trọng nâng cao hệ miễn dịch nên cha mẹ cần tạo cho trẻ một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.

Chuyên gia lưu ý các bậc cha mẹ ngoài việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh để nâng cao thể chất cho trẻ thì luôn chú trọng môi trường sống, giấc ngủ, tinh thần và khuyến khích trẻ vận động, đó chính là những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng cho con. 

Đối với giấc ngủ của trẻ, cần lưu ý chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ phải phù hợp lứa tuổi. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ miễn dịch của cơ thể. Trẻ mầm non nếu được ngủ đủ giấc sẽ không cáu gắt, chơi ngoan. Đối với trẻ thiếu nhi và thiếu niên, ngủ đủ giấc sẽ giúp cho việc tập trung cao hơn và khả năng ghi nhớ tốt hơn. Nếu không ngủ đủ giấc, trẻ sẽ mệt mỏi, học tập kém tập trung và khả năng ghi nhớ cũng bị ảnh hưởng.

Tiếp đến là tăng cường vận động, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao. Vận động góp phần tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng, lưu thông khí huyết giúp tăng miễn dịch. Cho trẻ ra ngoài trời chơi, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp tổng hợp vitamin D.

Đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống cho trẻ là cách tốt nhất giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài