Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?

Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?
Hình ảnh tin tức Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất gây tử vong ở phụ nữ.

1. Virus HPV sống ở đâu?

90% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV. Vậy virus HPV lây qua đường nào và làm thế nào để bạn biết mình có nguy cơ ung thư cổ tử cung do nhiễm HPV?

HPV là chữ viết tắt của Papillomavirus gây u nhú ở người, bao gồm một nhóm hơn 150 loại virus liên quan. Chúng là những sinh vật rất nhỏ, thậm chí không thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi thông thường. Chúng không thể tự sinh sản mà phải xâm nhập vào một tế bào sống để tạo ra nhiều virus hơn.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, HPV bị thu hút và chỉ có thể sống trong một số tế bào nhất định gọi là tế bào biểu mô vảy. Những tế bào này được tìm thấy trên bề mặt da và trên các bề mặt ẩm ướt (gọi là bề mặt niêm mạc) như:

  • Âm đạo, cổ tử cung, âm hộ (khu vực xung quanh bên ngoài âm đạo) và hậu môn.
  • Bao quy đầu bên trong và niệu đạo của dương vật.
  • Lớp lót bên trong của mũi, miệng và cổ họng.
  • Khí quản và phế quản.
  • Bên trong mí mắt.

Hầu hết các loại HPV đều gây ra mụn cóc trên da như trên cánh tay, ngực, bàn tay hoặc bàn chân. Các loại khác được tìm thấy chủ yếu trên màng nhầy của cơ thể. Màng nhầy là lớp bề mặt ẩm lót các cơ quan và bộ phận của cơ thể mở ra bên ngoài như âm đạo, hậu môn, miệng và cổ họng.

Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?- Ảnh 1.

Virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.

2. Virus HPV lây qua đường nào?

HPV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc da kề da, đặc biệt khi hoạt động tình dục. Con đường lây lan chính của HPV là qua hoạt động tình dục, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.

Bất cứ ai đã quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm virus HPV nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn ở những người có nhiều bạn tình. Virus HPV cũng có thể lây lan qua tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không quan hệ tình dục, tuy nhiên điều này không phổ biến.

3. Nhiễm virus HPV có triệu chứng không?

Phần lớn mọi người sẽ không bao giờ biết mình bị nhiễm virus HPV vì họ không có triệu chứng. Vì hệ thống miễn dịch của họ tấn công virus và loại bỏ nhiễm trùng HPV. Điều này đúng với cả loại HPV nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Nhưng đôi khi cơ thể không loại bỏ được nhiễm trùng HPV.

Nhiễm loại HPV nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi tiếp xúc với bạn tình nhiễm virus. Mụn cóc cũng có thể xuất hiện nhiều năm sau khi tiếp xúc, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Mụn cóc thường trông giống như những vết sưng nhỏ hoặc từng nhóm vết sưng ở vùng sinh dục. Chúng có thể nhỏ hoặc lớn, nổi lên hoặc phẳng, hoặc có hình dạng giống súp lơ. Nếu không được điều trị, mụn cóc sinh dục có thể biến mất, có thể tồn tại và không thay đổi hoặc có thể tăng kích thước hoặc số lượng. Tuy nhiên, mụn cóc do các loại HPV nguy cơ thấp gây ra hiếm khi chuyển thành ung thư.

Nhiễm loại HPV nguy cơ cao thường không có triệu chứng, loại HPV này có khả năng dẫn đến những thay đổi ở tế bào và sau nhiều năm có thể phát triển thành ung thư.

Mặc dù bản thân HPV không thể điều trị được nhưng những thay đổi của tế bào do nhiễm trùng HPV thì có thể, ví dụ mụn cóc sinh dục. Những thay đổi tế bào tiền ung thư do HPV gây ra có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và điều trị. Và ung thư cổ tử cung, hậu môn và bộ phận sinh dục cũng có thể điều trị.

Cách xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung không?- Ảnh 3.

Xét nghiệm là biện pháp cơ bản để sàng lọc ung thư cổ tử cung.

4. Làm thế nào để nhận biết nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV?

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, HPV là một loại virus có thể gây ra những thay đổi ở tế bào cổ tử cung. Xét nghiệm HPV tìm kiếm nhiễm trùng cổ tử cung do các loại HPV nguy cơ cao có nhiều khả năng gây ra tiền ung thư và ung thư cổ tử cung . Xét nghiệm này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc cùng lúc với xét nghiệm Pap (được gọi là xét nghiệm đồng thời) để xác định nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap được sử dụng để tìm những thay đổi của tế bào hoặc các tế bào bất thường ở cổ tử cung. Những tế bào bất thường này có thể là tiền ung thư hoặc ung thư.

Để sàng lọc ung thư cổ tử cung, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị, xét nghiệm HPV cơ bản là biện pháp ưu tiên để sàng lọc ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư ở những người từ 25 đến 65 tuổi có cổ tử cung.

Theo BSCKI. Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, có hai biện pháp quan trọng nhất mà phụ nữ có thể làm để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả là tiêm phòng HPV và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên.

Mục tiêu của tầm soát ung thư cổ tử cung là phát hiện sớm tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.

Hiện nay có nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng để điều trị hiệu quả ung thư cổ tử cung. Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ có kết quả rất tốt, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương, Bệnh viện Từ Dũ: Ung thư cổ tử cung thường diễn tiến chậm, có thể diễn tiến âm thầm vài năm cho đến khi gây nên các vấn đề nghiêm trọng. Do đó, những phụ nữ được tầm soát định kỳ có nhiều cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có nhiều khả năng điều trị bệnh triệt để. Theo thống kê, số người bệnh tử vong hàng năm vì ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ vào sự phát triển của các phương tiện tầm soát bất thường sớm ở cổ tử cung như xét nghiệm Pap và HPV cũng như ý thức của người dân về vấn đề tầm soát định kỳ đã được nâng cao.


Thu Phương (SKĐS)
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cach-xac-dinh-ban-co-nguy-co-mac-ung-thu-co-tu-cung-khong-172240426173551614.htm
Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài