Tai nạn thương tích là những
thương tổn thực thể khi cơ thể con người bất ngờ phải chịu một lực như cơ học,
nhiệt, điện, hoá học hoặc phóng xạ vượt quá ngưỡng chịu đựng về sinh lý hoặc là
hậu quả của tình trạng thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho sự sống như thiếu ôxy
trong trường hợp đuối nước, bóp nghẹt hay giảm nhiệt độ trong môi trường cóng
lạnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ
gây tai nạn thương tích ở trẻ em, các yếu tố này được chia làm 3 nhóm: Yếu tố
con người, yếu tố môi trường và một số yếu tố khác.
Về yếu tố con người
Liên
quan đến tuổi, giới, nhận thức, hành vi và tình trạng sức khỏe của trẻ bởi trẻ
em không phải là người lớn thu nhỏ. Khả năng và hành vi của các em khác với khả
năng và hành vi của người lớn. Khả năng về thể chất và tâm thần của trẻ, mức độ
phụ thuộc, loại hình hoạt động và các hành vi nguy cơ tất cả đều thay đổi về
căn bản khi trẻ lớn lên. Khi trẻ phát triển, tính tò mò và nhu cầu thử nghiệm
của trẻ không thường xuyên phù hợp với năng lực để hiểu biết và phản ứng với
nguy hiểm, làm cho trẻ có nguy cơ bị thương tích. Khi còn nhỏ, trẻ có xu hướng
với lấy các vật dụng, túm lấy và đưa vào miệng. Khi trẻ biết đi, trẻ thích đi
lại và khám phá thế giới xung quanh. Sự
phát triển và hành vi của trẻ có liên quan nhiều đến các thương tích, ví
dụ ngộ độc có liên quan đến hành vi cầm đồ vật và đưa vào miệng.
Bên cạnh đó, một số đặc điểm
thể chất làm cho trẻ bị thương tích như: Kích thước nhỏ bé của trẻ làm tăng
nguy cơ trên đường vì phát hiện trẻ nhỏ khó hơn và nếu bị xe cộ va phải, trẻ dễ
bị thương tích vùng đầu hoặc cổ hơn. Đồng thời trẻ khó khăn khi phát hiện xe
cộ, nhận định về tốc độ và khoảng cách tới một chiếc xe thông qua tiếng động cơ
của xe. Da của trẻ nhỏ dễ bị bỏng sâu hơn và nhanh hơn, ở nhiệt độ thấp hơn so
với da người lớn.Hơn nữa, các đặc điểm thể chất của trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng
đến hậu quả của thương tích. Ví dụ, cùng một lượng chất độc trẻ em sẽ có khả
năng ngộ độc hơn so với người lớn vì trọng lượng của trẻ nhỏ hơn.
Các em trai có xu hướng bị
thương tích thường xuyên và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Các lý thuyết
khác nhau đã được đưa ra để giải thích cho sự khác biệt này. Có ý kiến cho rằng
các em trai tham gia vào hoạt động có nhiều yếu tố nguy cơ hơn; các em trai có
mức độ hoạt động cao hơn và thường cư xử một cách bộc phát. Cũng có giả thuyết
cho rằng các em trai được xã hội nhìn nhận theo một cách khác với các em gái.
Ngoài
ra,việc giáo viên và người trông trẻ thiếu kinh nghiệm, chưa được đào
tạo về chăm sóc và đảm bảo an toàn về thể chất cho trẻ cũng là nguyên nhân
thuộc về yếu tố con người có thể dẫn đến thương tích ở trẻ.
Về yếu tố môi trường
Môi trường ở đây tập trung chủ
yếu ở những nơi trẻ em thường dành nhiều thời gian nhất trong cuộc sống của trẻ
bao gồm nhà ở, trường học, nơi vui chơi và môi trường xung quanh. Tại gia đình,
những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích ở trẻ em nếu không được kiểm
soát tốt. Ở nhà là phòng bếp, phòng khách, nơi cất giữ thuốc, nhà kho và các ao
hồ, nơi chứa nước xung quanh gần nhà. Các đồ vật có thể có nguy cơ gây tai nạn
thương tích cho trẻ ở nhà cần lưu ý là các đồ vật nóng như phích nước, nồi đựng
thức ăn nóng, vòi nóng lạnh…, hệ thống điện không an toàn, các vật sắc nhọn
(dao, kéo..), các hạt, đồ chơi nhỏ (đối với trẻ dưới 5 tuổi), các vật dụng hay
nơi chứa nước không có nắp đậy (xô, thùng, bể, giếng nước…), các loại thuốc
uống, hóa chất gia dụng, các hóa chất dùng trong nông nghiệp không để đúng nơi
quy định. Cách bố trí, sắp xếp trong nhà không gọn gàng cũng có thể gây ra
những thương tích cho trẻ.
Yếu tố môi trường tại các
trường mầm non liên quan chặt chẽ đến vấn đề về tai nạn thương tích trẻ em.
Theo quy định, các trường mầm non phải có các phòng (phòng học, phòng ăn, khu
vui chơi…) đảm bảo đúng quy cách về
tiêu chuẩn thiết kế và các quy định về vệ sinh trường học hiện hành, việc bố
trí cần đảm bảo độc lập giữa khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với khối phục vụ; đảm
bảo an toàn và yêu cầu giáo dục với từng độ tuổi; Đảm bảo lối thoát hiểm khi có
sự cố và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên hiện nay nhiều trường học vẫn
chưa đạt tiêu chuẩn và chưa đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhiều trường học khu sinh
hoạt, vui chơi, ăn uống và ngủ của trẻ chưa được tách biệt.
Địa điểm trường mầm non, nơi trông giữ trẻ
cũng là yếu tố góp phần dẫn đến tai nạn thương tích. Ở một số trường học gần
đường quốc lộ, trẻ có nguy cơ bị tai nạn giao thông nếu không có hàng rào che
chắn hoặc người bảo vệ quản lý trẻ. Trẻ ở một số trường khu vực nông thôn, rừng
núi có thể có nguy cơ bị các động vật, côn trùng tấn công như chó cắn, ong đốt…
Môi trường nơi vui chơi của
trẻ cũng hết sức quan trọng như công viên, sân chơi. Hiện ở Việt Nam, không
gian vui chơi dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn thiếu hoặc nếu có còn chưa thực
sự an toàn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.
Một số yếu tố khác liên quan đến
tai nạn thương tích trẻ em bao gồm việc kiểm soát, quản lý việc trông giữ trẻ ở các trường mầm non tư thục còn
thiếu chặt chẽ. Rất nhiều nơi trông giữ trẻ, trường mầm non tư thục được mở ra
không có giấy phép, giáo viên, người trông trẻ thiếu kinh nghiệm, chưa được đào
tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Văn bản pháp luật liên quan đến an toàn chưa đồng bộ.
Việc thực thi các quy định, luật an toàn chưa tốt, chưa kiểm tra, giám sát việc
thực hiện, chưa có các biện pháp xử phạt rõ ràng.
Tai nạn
thương tích ở trẻ em gây nên do các yếu tố nguy cơ có liên quan đến con người
và môi trường và một số yếu tố khác. Vì vậy tất cả các bậc cha mẹ, giáo viên,
những người trông giữ trẻ và cộng đồng cần biết và nhận biết các yếu tố nguy cơ
để chủ động phòng tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra ở
trẻ.