CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM
Hình ảnh tin tức CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM

Các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được thực hiện thông qua 3 nhóm biện pháp chính: (1) Truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động xã hội; (2) Các biện pháp cải thiện môi trường; (3) Thực thi các quy định pháp luật.

Tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, các yếu tố nguy cơ theo lứa tuổi của trẻ mà chúng ta có những biện pháp phòng chống tai nạn thương tích phù hợp:

Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Nên lồng ghép tư vấn về an toàn vào trong các chương trình chăm sóc trước sinh cho các cặp cha mẹ để họ sẵn sàng các kiến thức cũng như chuẩn bị ngôi nhà an toàn cho đứa trẻ trước khi chào đời. Phòng nguy cơ trẻ có thể bị ngạt khi ngủ, khi ăn uống cũng như khi tắm, chơi các đồ chơi không an toàn. Trẻ có thể bị ngã do trơn trượt hay ngã từ trên cao xuống vì vậy cần phải chống trơn trượt trong nhà, trong buồng tắm, sử dụng các tấm chắn cầu thang...; loại bỏ các nguyên nhân gây bỏng cho trẻ như ngăn cách trẻ khỏi khu vực nấu ăn, để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, ống bô xe máy nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, acid,…ở nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới như để trên giá cao, trong tủ có khóa an toàn....

Đối với trẻ 1-4 tuổi: cha mẹ, thầy cô giáo và người chăm sóc trẻ sẽ là nhóm đối tượng đích để truyền thông về an toàn cho trẻ. Có thể truyền thông thông qua tư vấn tại các buổi tiêm chủng định kỳ cho trẻ. Đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, chấn thương do vật sắc nhọn là những nguy cơ thường gặp ở lứa tuổi này. Vì vậy, cần có rào chắn xung quanh ao, hồ, chum vại, các dụng cụ chứa nước cần đậy nắp, giám sát trẻ khi tắm trong bồn, bể bơi để phòng ngừa đuối nước. Làm cổng chắn đối với những nhà gần đường giao thông để phòng ngừa tai nạn giao thông. Tiêm phòng cho động vật, phải kiểm soát trẻ khi đến gần đồng vật, cách ly động vật,... để phòng ngừa chấn thương do động vật cắn/tấn công. Các hoá chất, chất tẩy rửa, thuốc cần được để ở nơi có khóa, hạn chế trẻ tiếp cận. Dao kéo, phích nước để cao, cách ly khu vực nấu nướng tránh chấn thương do vật sắc nhọn và bỏng.

Đối với trẻ 5-9 tuổi: Cần dạy trẻ kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với nước, dạy bơi cho trẻ và những kỹ năng an toàn, sơ cấp cứu cơ bản. Cung cấp cho trẻ kiến thức và kỹ năng đi bộ và đi xe đạp an toàn. Giáo dục trẻ cách chăm sóc động vật và tự vệ đối với động vật để tránh bị động vật cắn, tấn công...

Đối với trẻ 10-14 tuổi: Đào tạo kỹ năng an toàn với nước, dạy bơi cho trẻ và những kỹ năng an toàn và sơ cấp cứu cơ bản. Trẻ cần tiếp tục được cung cấp các kiến thức và kỹ năng liên quan đến an toàn giao thông đường bộ. Đánh nhau và tự tử là một trong những nguyên nhân thương gặp ở nhóm tuổi vị thành niên. Vì vậy cần có các câu lạc bộ, các đường dây nóng... hỗ trợ trẻ vị thành niên. Sự quan tâm của gia đình trong giai đoạn này cũng hết sức quan trọng.

                                                                                                                                            Ban Biên tập