Bảo vệ sức khỏe tâm thần trong mùa dịch

Bảo vệ sức khỏe tâm thần trong mùa dịch

COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn diện trên phạm vi toàn cầu, về phương diện sức khỏe đại dịch này không chỉ gây ra những hệ lụy mà chúng ta đã nhìn thấy rõ với hàng triệu người tử vong mà hậu quả còn là những tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Stress, trầm cảm, lo âu, thậm chí là rối loạn cảm xúc, tâm thần… là những căn bệnh có chiều hướng gia tăng đáng kể trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

 

Theo thống kê, trung bình một ngày khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái tiếp nhận trên 100 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó có tới 50 - 60% bệnh nhân có các rối loạn về tâm lý như stress, trầm cảm, lo âu và rối loạn cảm xúc. Các bác sỹ cho biết trong số này phần lớn là bệnh nhân có rối loạn tâm thần từ trước, tuy nhiên dịch COVID-19 là điều kiện liên quan tới khởi phát, tái phát và làm nặng thêm tình trạng bệnh của các bệnh nhân. Bên cạnh những lo lắng vì bị thất nghiệp, cách ly dài ngày khiến stress, lo âu… thì có nhiều người đến trong tình trạng mất ngủ, đau đầu, suy giảm trí nhớ, thậm chí bị ảnh hưởng trí tuệ. Một số trường hợp mắc bệnh lý tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết tiến triển thành mãn tính dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, không làm được việc, ảnh hưởng mối quan hệ trong gia đình… Khi ở tình trạng nguy hại nhất, bệnh nhân không chỉ có ý nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân mà còn có hành vi tổn thương cả người thân hoặc người mình thù ghét.

Bà P.T.H xã An Thịnh, huyện Văn Yên là một trong những bệnh nhân có tiền sử bị rối loạn cảm xúc giai đoạn trầm cảm đang điều trị bằng thuốc tại nhà. Sau nhiều năm điều trị, bệnh của bà H đã có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên trước những tác động của dịch bệnh COVID-19 bệnh của bà H có chiều hướng nặng lên trong vài tháng nay. Người nhà bà H. tâm sự “Từ khi có dịch COVID-19, gia đình tôi cũng hạn chế đi lại, người ngoài cũng hạn chế đến nhà chơi, từ đó mẹ tôi ít được gặp mọi người dẫn đến tâm trạng của bà ngày càng không tốt, bệnh có chiều hướng nặng hơn, nên gia đình tôi quyết định đưa bà đến Bệnh viện Tâm thần để khám và điều trị”.

 

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý tâm thần mà những người bình thường cũng dễ bị stress, trầm cảm, lo âu lan tỏa trong đại dịch. Hạn chế đi lại, sống dãn cách với người khác, sự sa sút kinh tế nghiêm trọng ở một số ngành, nghề khiến áp lực càng đè nặng lên tâm lý của nhiều người. Các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể có các biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, stress kéo dài... Các triệu chứng có thể chưa đủ dài về thời gian, chưa đủ để chẩn đoán là mắc bệnh lý về tâm thần, nhưng cũng đã ảnh hưởng chức năng giao tiếp trong nghề nghiệp, cuộc sống, trong gia đình, cần được hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tại tỉnh ta mặc dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong cộng đồng, tuy nhiên kể từ khi dịch bùng phát đến nay số lượng người bị các bệnh lý tâm thần cũng có chiều hướng gia tăng nhanh với nhiều mức độ khác nhau.

 

BSCKI Vũ Hoài Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái cho biết “Dịch bệnh COVID-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát một rối loạn tâm thần như: lo âu, trầm cảm, stress và các rối loạn giấc ngủ. Trong thời gian dịch bệnh, tại bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp, trong đó biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng, điển hình như có những bệnh nhân vào viện với các triệu chứng: lo lắng, mất ngủ, xuất hiện những cơn rối loạn chức năng thần kinh thực vật”. Bác sỹ cũng cho biết thêm “việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần đã phức tạp thì hiện nay liên quan đến COVID-19, công tác điều trị còn khó khăn hơn rất nhiều. Người bệnh rất khó phát hiện triệu chứng do ngại đến các cơ sở y tế khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn, bên cạnh đó việc tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, tránh giao tiếp giữa các bệnh nhân với nhau trong quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để thích nghi với tình hình dịch còn diễn biến dài, chúng ta cần phải xây dựng thời gian biểu làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày và cũng cần có sự kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè”.

 

Các chuyên gia tâm lý khẳng định, thích ứng với hoàn cảnh, coi bất lợi, trở ngại do dịch bệnh là những khó khăn có thể dần khắc phục, giữ tinh thần lạc quan, tạo niềm vui bằng các việc làm thiết thực, giữ gìn sức khỏe, rèn luyện thể lực, thực hiện đúng biện pháp phòng dịch, chính là giải pháp để mỗi người có tinh thần và thể chất khỏe khoắn vượt qua mùa dịch.

 

Trần Vân ( Nguồn: Sở Y tế)

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài