“Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”

“Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”
Hình ảnh tin tức “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”

1. Tiền hôn nhân là gì?

Tiền hôn nhân là thời gian từ lúc một người bắt đầu trưởng thành đến khi lập gia đình. Nói như vậy, không chỉ người lớn mới bước vào thời kỳ tiền hôn nhân mà có thể cả lứa tuổi vị thành niên, những người chưa trưởng thành về mặt tâm lý, xã hội nhưng đã phát triển về bộ máy sinh sản, cũng được xem như đã bước vào thời kỳ tiền hôn nhân. Một cách cụ thể hơn, từ trẻ ở tuổi vị thành niên (khi có khả năng sinh sản) cho đến người lớn ở độ tuổi 30 – 40 – 50 v.v… (chưa kết hôn). Đó là đối tượng cần quan tâm đến những vấn đề thuộc nội dung tư vấn, khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.

2. Lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Lợi ích lớn nhất của khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên, tiền hôn nhân là giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của các cặp đôi trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Từ đó, bác sĩ cũng có thể phát hiện sớm các bệnh lý di truyền để đưa ra lời khuyên giá trị giúp các cặp đôi điều chỉnh sức khỏe.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng giúp các cặp đôi chuẩn bị tốt tâm lý cho đời sống vợ chồng, chuẩn bị sinh con, khắc phục và điều trị sớm các nguy cơ bệnh tật về sinh dục và sinh sản. Đây là yếu tố quan trọng để bạn bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề như: sức khỏe sinh sản, tiêm phòng, sử dụng thuốc và vi chất hỗ trợ trong thời kỳ mang thai, các vấn đề về sức khỏe mãn tính…

Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ có thể thảo luận và đưa nhiều lời khuyên hữu ích về một số vấn đề như làm sao ngăn ngừa bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh cho thai nhi, làm thế nào để cải thiện sức khỏe, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, kinh nghiệm chuẩn bị mang thai…

3. Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm các nội dung

Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm 2 nội dung sau:

+ Khám sức khỏe tổng thể: Giúp bạn phát hiện bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như: viêm gan B, HIV, các bệnh di truyền, bệnh tim, các tiền căn về rối loạn tâm thần, tình trạng huyết thống, bệnh sử gia đình… Nếu biết trước, đôi bạn trẻ có quyền cân nhắc, lực chọn các biện pháp phòng tránh để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả hai.

+ Khám sức khỏe sinh sản: Giúp bạn phát hiện những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục (nếu có) để chuẩn bị thời gian, tâm lý thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, tránh cho người bạn đời khỏi bị sốc, hoặc những bối rối không cần thiết sau khi cưới. Đồng thời kiểm tra xem một trong hai người có bị viêm nhiễm hay mắc bệnh lây qua đường sinh dục không, để kịp thời chữa trị và phòng tránh cho người kia; xem xét tình trạng kinh nguyệt/xuất tinh, tình trạng sinh đẻ (với người đã từng lập gia đình). Với bạn gái trẻ chưa có gia đình thì thăm khám đường hậu môn nếu cần thiết, để biết tình trạng tử cung; siêu âm, chụp nhũ ảnh, xét nghiệm máu, nước tiểu nếu cần.

Khám sức khỏe sinh sản có thể kiểm tra khả năng sinh sản của bạn việc làm này khá tế nhị song quan trọng không kém vì hiện nay, các cặp vợ chồng đều có xu hướng kết hôn muộn, nên sau khi cưới muốn sinh con ngay; do đó khám sức khỏe sinh sản là cách chuẩn bị tốt nhất cho sự ra đời của đứa con khỏe mạnh hoặc có thể chữa trị kịp thời khi bị vô sinh hay hiếm muội.

4. Một số bệnh ảnh hưởng đến hôn nhân và sinh sản

Một số bệnh ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, sức khỏe của vợ hay chồng hoặc sinh ra con cái sẽ mắc bệnh nan y, là nỗi đau cho gia đình và gánh nặng cho xã hội thì không nên kết hôn.

Chỉ nên kết hôn khi có khả năng giao hợp bình thường. Không mắc bệnh AIDS hoặc bệnh hoa liễu, không bị bệnh tâm thần phân liệt. Không mắc các bệnh ác tính nặng ở một số cơ quan gan, tim, thận… mà y học hiện nay chưa giải quyết được.

Ngoài các bệnh nói trên, những người mang các mầm mống bệnh lý di truyền nan y cũng không nên lấy vợ, lấy chồng, như: Bệnh Đao (Down); bệnh tan máu bẩm sinh gây vàng da, lách to, dị dạng đầu mặt (bệnh Thalassimia); bệnh tan máu hồng cầu hình lưỡi liềm; bệnh ưa chảy máu, bố truyền cho con trai (bệnh Hémophilie) bệnh mù màu, bệnh lệch khớp sọ; bệnh ở nam thừa một nhiễm sắc thể giới tính (bệnh Klinefelter); bệnh ở nữ thừa một nhiễm sắc thể giới tính - Hội chứng siêu nữ; Bệnh ở nữ thiếu một nhiễm sắc thể giới tính X, đó là hội chứng Tơcne (Turner); loạn sản tuyến sinh dục.v..v.

* Một số trường hợp nên hoãn kết hôn:

– Bệnh lây truyền đang điều trị.

– Những bệnh lây qua đường tình dục (HIV, giang mai, lao, phong…) sẽ lây bệnh cho bạn tình nếu kết hôn. Nếu có thai ngay sẽ truyền bệnh, gây bất thường cho thai nhi.

– Các loại thuốc đã dùng không được kiểm soát trước khi kết hôn (ma túy, lao, basedow…) sẽ gây quái thai.

– Những người đang điều trị bệnh tâm thần, thần kinh cũng không nên kết hôn.

Do vậy cần phải khám bệnh trước khi kết hôn – khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và nếu cần thì xác định gen bệnh lý di truyền. Việc này góp phần phòng bệnh cho xã hội chống suy thoái nòi giống, nhằm giảm tới mức tối thiểu khả năng sinh ra những trẻ em không có đầy đủ thể lực và trí tuệ, bảo đảm hạnh phúc hôn nhân cho đôi lứa và nâng cao chất lượng dân số.

5. Khám kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân ở đâu?

– Các bệnh viện chuyên khoa phụ sản.

– Các bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản.

– Trung tâm Y tế tuyến huyện.

6. Để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc các bạn thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn cần làm gì?

–  Đi tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đừng sợ bạn bè, người thân dị nghị, đừng sợ nếu phát hiện bệnh tật thì cuộc hôn nhân sẽ tan vỡ…

–  Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một động thái quan trọng để một lần nữa khẳng định tình yêu giữa hai người. Nếu yêu nhau thực sự chắc chắn sẽ quan tâm, lo lắng cho nhau, cùng khắc phục bệnh tật. Trường hợp hai người không thể kết hôn vì lý do nào đó, bác sĩ tư vấn là không nên kết hôn thì hai người cần bàn bạc để cân nhắc yếu tố nào là quan trọng:

+ Một là kết hôn và chấp nhận rủi ro;

+ Hai là “giải phóng” để người kia đi tìm hạnh phúc mới. Mỗi người cần tôn trọng quyết định của nhau, thà rằng đau khổ trước, sau đó cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, còn hơn cưới xong mới phát hiện ra thì lúc đó hai người dằn vặt nhau còn đau khổ hơn.

Các bạn thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn, hãy tự tin vào chính bản thân mình, phải chuẩn bị cho mình một tinh thần và sức khỏe tốt để bước vào cuộc sống lứa đôi an toàn, hạnh phúc bền lâu.

7. Khi nào khám sức khỏe tiền hôn nhân?

Các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 – 6 tháng trước khi cưới vì đây chính là thời gian trung bình để điều trị một số bệnh nếu được phát hiện. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay, để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Hôn nhân là kết quả cuối cùng của cuộc tìm hiểu, là sự kiện trọng đại cả đời, là bước khởi đầu cho cuộc sống mới của mỗi cặp đôi. Vì vậy, để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân hạnh phúc viên mãn cả hai người cần phải tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết. Bởi khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp các cặp đôi chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước khi bước vào một vai trò mới, mà còn là biện pháp hữu ích để tầm soát các căn bệnh nguy hiểm, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

                                               

TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ YÊN BÁI

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài